Vào ngày mừng nhà mới, người đàn ông chủ nhà sẽ bảo vợ con quét tước sạch sẽ, đóng hết các cửa lại, chưa ai được ở bên trong. Còn ông thì phải đến nhà “xay nghên” (thầy xem ngày) nhờ chọn cho ngày, giờ tốt để tổ chức lễ “lên nhà mới” (hừn hươn mở). Chuẩn bị đầy đủ đâu vào đấy, cả nhà đứng xếp 1 hàng dọc trước chân thang ở cuối nhà; mỗi người mang theo các vật dụng gia đình cần chuyển lên nhà mới như hòm xiểng, chăn đệm, thóc gạo, bát nồi…
Có gì trong lễ cúng mừng nhà mới của người Thái Nghệ An?
Người Thái dựng nhà sàn mới. Ảnh: Hồ Phương
Đứng đầu hàng là ông chủ, đeo kiếm ngang lưng, 1 vai mang súng kíp (nếu có), 1 vai vác cày, tay xách nồi ninh (dùng thừng trâu buộc cổ nồi để xách) và túi “tạy”. Thứ 2 là bà chủ, vai đeo go, lưng địu con nhỏ, tay xách giỏ kim chỉ và những thứ hạt giống như rau, bông, hành tỏi, gừng, ớt… Tiếp theo là con trai, con dâu (nếu có), con gái và những người bà con tham dự. Sau cùng là 2 chàng trai khiêng 1 con lợn đã làm sạch gọi là “mú hừn hươn” (lợn lên nhà). Một ông trong dòng họ được chọn làm “thần chủ nhà mới” tượng trưng, bí mật lẻn lên đứng trong nhà trước.
Bắt đầu, ông chủ nhà gọi với lên nhà 3 lần: “Có nhà không chủ nhà ơi?”. Thần chủ nhà thưa: “Ờ… có nhà!”. Ông chủ nhà nói tiếp: “Tôi từ mường (…) mới sang/ Từ mường (…), mường (…) mới về/ Giờ hay, ngày lành/ Tôi xin lên nhà mới nhá!/ Tôi sẽ gánh của lên nằm/Khuân đồ lên ở/ Nhà hay sẽ lên ăn ở/ Nhà rộng sẽ lên sinh sống/ Lên nhà này để giàu/Ngồi nhà này để có/Bạc vàng chảy vào/Thóc gạo dồn chất đống, nhá!”. Thần chủ bảo: “Ờ… lên đi! Nhà tốt hãy lên ở/ Nhà rộng hãy lên sinh sống/ Trẻ nhỏ lên sinh sôi/ Già lão lên phúc thọ, nhá!”.
Ông chủ nhà sẽ giẫm bậc thang dưới cùng 3 lần, đánh động, phủi bụi, rồi lên thang. Mọi người lên theo. Ông đẩy cửa, bước vào nhà, đi qua ngưỡng cửa thì hạ cày xuống, đẩy cày trượt trên giát nhà đi vào, vừa đi vừa đọc phù chú “trị sát”.
Có gì trong lễ cúng mừng nhà mới của người Thái Nghệ An?
Bếp lửa cháy suốt đêm trong ngày đầu tiên dọn đến nhà mới. Ảnh : Hữu Vi
Vào đến bếp lửa thì ông đặt nồi ninh xuống, đi tiếp đến cửa chính ở đầu nhà, quay vào chỗ bàn thờ, dựa cày vào bức phên giáp bàn thờ, lấy 1 cái đinh đóng vào cột bàn thờ (xáu hỏng), treo túi “tạy” vào đấy. Đoạn ông quay ra tháo súng, kiếm treo vào cột “thần chủ áo” (xáu chầu xừa) nơi vách ngăn gian ngoài với gian trong, góc trên, giáp buồng ông chủ nhà. Chỉ đến lúc đó mọi người mới được hạ các thứ đồ đạc khác xuống. Con lợn được đặt gần bếp lửa, trên lá chuối xanh, để pha chế, nấu nướng, dọn mâm thờ và làm cỗ ăn mừng nhà mới.
Sau khi đã nấu nướng chuẩn bị mâm cỗ xong thì tiến hành “cúng nhà mới” (phái hươn mở). Chủ nhà, hoặc mời thầy mo làm lễ này. Cúng xong khoảng 1 tiếng thì hạ cỗ, soạn mâm bát ra ăn uống vui vẻ mừng nhà mới. Lúc này có thêm một số anh em họ hàng, láng giềng xung quanh được mời đến tham gia. Ăn uống xong, chủ nhà lại mời thêm mọi người già trẻ, gái trai trong bản đến uống rượu cần, nghe hát mừng nhà mới.
Bản nào cũng có nghệ nhân hát nhuôn, lăm, xuối. Trong lễ mừng nhà mới như thế này thì họ sẽ trổ tài hát những bài “Cúng vào nhà”, "Đuổi tà”, "Cúng chúc”... Cứ thế, cuộc vui sẽ còn kéo dài hết ngày, có khi còn thâu đêm.
Có gì trong lễ cúng mừng nhà mới của người Thái Nghệ An?
Thầy mo người Thái chuẩn bị làm lễ. Ảnh : Hà Ngọc Thủy
Nhưng có "nhà” chưa có “hồn vía”! Cần phải đưa hồn vía vào nhà thì mới hoàn tất. Sau lễ lên nhà mới chừng 10 ngày thì tổ chức lễ “nếp tạy”. “Tạy” đã nói tới ở trên, là túi bên trong đựng “hó” (cái giỏ nhỏ tượng trưng cái nhà cho Một - thần mường trời xuống ở canh nhà, chăm cháu nhỏ; quạt nan, cung [vũ khí cho cháu trai], bật bông [dụng cụ làm vải cho cháu gái]… “Tạy” hôm nay sẽ được đem vào treo trong buồng, trên đầu cột giáp với buồng gia chủ. “Nếp tạy” là lễ rước gia tiên và thần hộ mệnh nhập nhà. Trong lễ này cũng cúng gia tiên, diễn xướng các bài “khả kháu hươn”, “xắp hính”, “xỏng xến” như trên; tức là lại hát mừng nhà mới một lần nữa.
Hát mừng nhà mới là dân ca nghi lễ, phong tục Thái độc đáo, đặc sắc, nuôi dưỡng tâm hồn con người trong những ngôi nhà. Nó gắn kết con người với gia đình, tổ tiên, cộng đồng. Rất tiếc là hiện nay nét phong tục này đã có phần phai nhạt…